Các chấn thương chân khi chơi cầu lông - Nguyên nhân và cách khắc phục

Chấn thương không phải là chuyện xưa nay hiếm với một môn thể thao có nhịp độ nhanh và chuyển động liên tục như cầu lông. Tùy vào mức độ chấn thương mà người chơi có thể phải nghỉ thi đấu đến 6 tháng nếu gặp những vấn đề nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra những chấn thương khi chơi cầu lông, và làm thế nào để phòng tránh? Hãy cùng Jogarbola tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.

chan-thuong-chan-cau-long

Bong gân hoặc trật mắt cá chân

Đây là một loại chấn thương nghiêm trọng mất khá nhiều thời gian để hồi phục. Chấn thương bong gân hoặc trật mắt cá chân không chỉ xảy ra do việc thay đổi chuyển động đột ngột trong quá trình đánh cầu lông, mà còn có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân mà ít người nghĩ đến - đi giày quá rộng.

Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang chạy băng qua sân để đỡ một cú đánh khó, sau đó phải ngay lập tức dừng lại và rẽ sang hướng khác. Trong tình huống như thế, nếu đi một đôi giày lỏng lẻo và thiếu độ ôm, việc bị bong gân mắt cá chân là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

Với một môn thể thao cần di chuyển linh hoạt như cầu lông, rõ ràng bạn không thể ít di chuyển đi để phòng tránh việc bị bong gân hay trẹo mắt cá chân được. Tuy vậy, bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng việc khởi động kỹ hơn trước khi vào trận đấu. Bên cạnh đó, nhớ chọn một đôi giày cầu lông vừa vặn để không gây cản trở khi di chuyển.

chan-thuong-chan-cau-long

Chấn thương mắt cá khi chơi cầu lông

Trong trường hợp bị bong gân mắt cá chân mức độ nặng khi chơi cầu lông, người chơi cần được lên kế hoạch phục hồi chấn thương thể thao phù hợp để rút ngắn thời gian hồi phục, và tránh khiến chấn thương mắt cá trở thành mãn tính. Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi mắt cá chân sau bong gân chính là duy trì phạm vi chuyển động. 

Cụ thể, tại vị trí xảy ra chấn thương, các mô sẹo không đàn hồi sẽ được hình thành nhanh chóng. Nếu không được duy trì tính linh hoạt bằng một kế hoạch trị liệu khoa học, mắt cá chân sau phục hồi có thể mất đi độ linh hoạt vốn có và thu hẹp phạm vi chuyển động vĩnh viễn. Một trong những bài tập phổ biến nhất được các chuyên gia chấn thương thể thao sử dụng để duy trì phạm vi chuyển động mắt cá chân chấn thương đó là viết bảng chữ cái bằng mắt cá chân. Bài tập này sẽ được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ngồi trên sàn và duỗi thẳng chân ra trước mặt
  • Bước 2: Đặt cẳng chân bị chấn thương lên trên một chiếc khăn bông cuộn tròn và thả lỏng chân
  • Bước 3: Dùng chân viết lên không trung lần lượt các chữ cái trong bảng chữ cái.

Bạn nên lặp lại bài tập này ít nhất 3 lần một ngày hoặc làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Phồng rộp

So với các chấn thương phần cứng khác, chấn thương phần mềm như phồng rộp không có tính nghiêm trọng bằng nhưng lại gây cảm giác cực kỳ khó chịu cho người chơi và khiến bạn đau đớn khi bước đi. Đây là loại chấn thương thường gặp nhất bắt nguồn từ nguyên nhân đi giày cầu lông không đúng kích cỡ. Khi đi một đôi giày cầu lông bị rộng chân và có quá nhiều khoảng trống thừa bên trong, chân bạn sẽ bị xê dịch rất nhiều khi chuyển rộng, ma sát với giày và gây ra tình trạng phồng rộp. 

chan-thuong-chan-cau-long

Phồng rộp là kiểu chấn thương chân khi chơi cầu lông khá khó chịu

Phồng rộp là một trong những chấn thương đáng ghét nhất khi chơi cầu lông. Nhưng tin vui là tình trạng này có thể được khắc phục dễ dàng nhờ việc chọn giày cầu lông với kích thước phù hợp.

Tuy nhiên, một số người chơi vẫn gặp tình trạng chân phồng rộp ngay cả khi đi giày cầu lông đúng kích cỡ. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc chất lượng của đôi giày mà bạn đang đi không đủ tốt. 

Trong thời đại các thương hiệu giày đang không ngừng chạy đua công nghệ như hiện nay, một đôi giày cầu lông chuyên dụng tốt nên là một đôi giày được tích hợp những cải tiến mới nhất để giữ cho bàn chân luôn khô thoáng và không ra nhiều mồ hôi. Khi bàn chân không có quá nhiều độ ẩm, mụn nước sẽ khó hình thành, từ đó giảm thiểu đáng kể tình trạng bị phồng rộp. 

Viêm gân

Gân thuộc kiểu mô sợi dai, có ở khắp cơ thể để nối cơ với xương. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau (ví dụ như chuyển động mạnh lặp đi lặp lại hay gặp các vấn đề về cơ sinh học), gân có thể bị viêm hoặc kích ước. Viêm gân khiến việc chuyển động trở nên đau đớn và có thể tiến triển thành bệnh mãn tính nếu đau dai dẳng lâu ngày. 

chan-thuong-chan-cau-long

Viêm gân có thể tiến triển thành mãn tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách

Với môn thể thao phải chuyển động với cường độ mạnh lặp đi lặp lại như cầu lông, các mô mềm của cơ thể thường xuyên bị chấn thương mà không có đủ thời gian để chữa lành. Vì thế, viêm gân trở thành một trong những chấn thương chân thường gặp nhất của người chơi bộ môn này, đặc biệt là những người thường xuyên tập luyện quá sức mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. 

Các phương pháp điều trị viêm gân ở giai đoạn đầu cũng tương tự như các phương pháp điều trị chấn thương do tập luyện quá sức, bao gồm để các mô cơ được nghỉ ngơi, giảm thường độ tập, giảm thời gian và tần suất tập. Để giảm đau tức thì, bạn cũng có thể sử dụng phương thức chườm lạnh cho gân chân. Riêng đối với những chấn thương ở mức độ nghiêm trọng hơn, bạn sẽ cần đến vật lý trị liệu, các loại thuốc giảm đau và một kế hoạch nghỉ ngơi hoàn toàn.

Để ngăn chặn viêm gân tái phát, người chơi cầu lông nên duy trì kế hoạch tập luyện với cường độ và thời gian tập luyện hợp lý. Quy tắc 10% trong thể thao sẽ rất có ích trong việc lên kế hoạch tập luyện khoa học sau chấn thương viêm gân. Cụ thể, mỗi tuần, bạn chỉ nên tăng 10% cường độ và thời gian tập luyện so với tuần trước. Tăng cường độ và thời gian tập luyện quá nhanh trên mức 10% sẽ dễ dàng gây ra chấn thương so cơ thể chưa kịp làm quen với cường độ mới. 

chan-thuong-chan-cau-long

Chườm lạnh là cách giảm đau tức thì cho các chấn thương

Bên cạnh đó, khởi động đúng cách tập chéo (Cross-training) cũng là phương pháp hữu ích để phục hồi và hạn chế các chấn thương chân trong cầu lông như viêm gân. 

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những chấn thương mà người chơi có thể gặp trong quá trình chơi cầu lông. Quyết định gắn bó với thể thao gần như đồng nghĩa với việc lựa chọn sống chung với các rủi ro liên quan đến chấn thương cơ thể. Chính vì thế, điều tốt nhất mà người chơi có thể làm để phòng tránh chính là khởi động kỹ trong mỗi lần tập luyện, lên kế hoạch tập phù hở để giảm thiểu tối đa chấn thương, đồng thời nghe theo lời khuyên của các chuyên gia để trị liệu hiệu quả trong trường hợp không may xảy ra những chấn thương không đáng có.